ArchAbroad

huy learns to write | huy tập viết

Vật Chất và Tinh Thần

Chương trình 60 Phút Mở phát sóng gần đây của Đài Truyền Hình Việt Nam (VTV) với chủ đề “Người ta làm từ thiện vì ai?” đã mang lại những tranh luận sôi nổi thậm chí là gay gắt. Nhưng dường như các cuộc tranh luận lại không tập trung vào câu hỏi “Làm từ thiện vì ai?” mà lại chủ yếu xoay quanh tính đúng sai hay xa hơn là tính đạo đức trong phát biểu của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang. Anh Giang đã chia sẻ quan điểm của mình rằng việc làm từ thiện một cách vô tư có “tiềm năng” mang lại những hệ quả tiêu cực không mong muốn và lấy ví dụ về nguy cơ “mất bản sắc văn hoá.” Điều làm tôi ngạc nhiên là rất nhiều người có học vấn đã chỉ trích thậm chí là miệt thị và xúc phạm TS rất nặng nề. Tôi nghĩ văn hoá tranh luận của người Việt Nam cần được cải thiện rất nhiều. Chúng ta chỉ có một xã hội dân chủ khi các công dân thực sự biết lắng nghe và tôn trọng những ý kiến trái chiều.

Cá nhân tôi cho rằng phát biểu của TS Giang hoàn toàn đúng và không có ý gì chống lại việc làm từ thiện. Phát biểu này chỉ bổ sung thêm cho phương thức làm từ thiện vốn có rằng chúng ta cần vào nhìn bức tranh tổng quát để cân bằng các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn nhằm đưa ra các giải pháp bền vững trong việc nâng cao đời sống của những người thiếu may mắn hơn.

Thời sinh viên, tôi cũng đã từng đi xe máy cùng một nhóm bạn vượt gần 500km vận chuyển sách vở và đồ dùng học tập cho trẻ em huyện biên giới Sốp Cộp, Sơn La. Tuy nhiên những người quản lý lại không mấy nhiệt tình đón nhận nên tôi phần nào cũng hiểu được tâm lý thất vọng và phật lòng của những người làm từ thiện với phát biểu của TS Giang. Nhưng là người học và làm kiến trúc quan tâm đến những vấn đề văn hoá, tôi cũng hiểu được những băn khoăn của anh Giang.

Trong một ý kiến phản hồi quan điểm “làm từ thiện có thể làm mai một bản sắc văn hoá,” một nhà báo đã chia sẻ về việc khen nhà trình tường của người dân địa phương vùng cao đẹp là hại người ta vì những ngôi nhà đó “nền đất nhão nhoét thành lớp bùn, tường ướt nhẹp, cửa sổ bé tý, tối om” và “họ ở vậy vì xưa nay không thể có nhà kiểu khác thôi.” Những điều đó có thể đúng nhưng câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta mang lại cho họ nhà cửa tiện lợi như người Kinh ở đồng bằng có hẳn là một việc tốt?

Khi còn đi học ở Đại Học Kiến Trúc Hà Nội, tôi và một nhóm bạn đã làm một nghiên cứu nhỏ về nhà trình tường của đồng bào dân tộc Hà Nhì. Nhà trình tường người Hà Nhì là một ví dụ điển hình của kiến trúc bền vừng, thích nghi tối đa với các điều kiện tự nhiên và văn hoá bản địa vùng cao nguyên Bát Xát. Mỗi ngôi nhà phản ánh lịch sử phát triển lâu đời của cả một nền văn hoá. Tổ chức không gian và kỹ thuật xây dựng được hoàn thiện từ kinh nghiệm tích luỹ qua nhiều thế hệ. Việc chỉ có duy nhất một cửa ra vào cùng những “cửa sổ bé tý, tối om” là để thông thoáng vừa đủ và thoát khói, đồng thời cũng tránh tối đa khí lạnh tràn vào nhà. Tường đất trình có thể ướt nhưng rất dày, độ bền cao, cách nhiệt. Mái lợp gianh để vừa che được mưa nhưng cũng giúp ngôi nhà “thở” để thoát khói từ bếp lửa. Vật liệu xây nhà đều là vật liệu sẵn có địa phương, chi phí thấp, độ bền cao và hoàn toàn thân thiện với môi trường. Phương thức xây dựng nhà truyền thống như vậy đã được chuẩn hoá từng chi tiết, liên quan đến cả tín ngưỡng của người dân và thực sự cần được lưu giữ.

Nếu chúng ta mang phương thức và vật liệu xây dựng của người Kinh đến, mặc dù với thiện chí để người dân tộc cải tạo không gian sống nhưng cách tổ chức không gian có thể không phù hợp với lối sống, vật liệu không phù hợp với khí hậu. Những cửa sổ rộng và thoáng của nhà cửa vùng đồng bằng lại có tác dụng ngược khi mang lên vùng núi. Những tấm lợp mái xi măng có thể tiện lợi hơn mái gianh nhưng không có chức năng thoát khí, thậm chí có những chất gây hại cho sức khoẻ. Vật liệu công nghiệp gây tốn công vận chuyển và trở thành phế thải sau khi hết hạn sử dụng. Nhiều vùng núi không có điều kiện sản xuất công nghiệp hay nông nghiệp nhưng lại có cơ hội lớn về du lịch. Nhưng thử hỏi có du khách nào muốn tới một vùng núi tràn ngập nhà cửa lai căng như người Kinh, phế liệu xây dựng ở khắp nơi?

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không cần phải làm gì. Tôi có biết một nhóm kiến trúc sư đã giúp thiết kế và xây dựng rất nhiều những điểm trường cho trẻ em vùng cao. Họ đã sáng tạo ra phương thức một loại gạch không nung đúc chính từ đất có được do đào móng nhà. Việc này cho phép tạo ra không gian có chất lượng tốt hơn nhưng vẫn đảm bảo môi trường và cảnh quan bản địa. Điều này cho thấy nâng cao đời sống vào bảo tồn bản sắc văn hoá không những không mâu thuẫn mà còn có quan hệ tương hỗ, chỉ cần chúng ta lưu tâm và xem xét nhiều khía cạnh của một vấn đề. Đây có lẽ chính là điều mà anh Đặng Hoàng Giang muốn nói?

Văn hoá không chỉ có giá trị tinh thần. Văn hoá còn có vai trò chủ chốt, là lực đẩy của một nền kinh tế phát triển bền vững. Người Việt Nam có câu “phú quý sinh lễ nghĩa” tức là khi người ta không còn phải lo lắng về vật chất nữa thì sẽ có nhiều hơn những nhu cầu tinh thần. Nếu chúng ta quá chú trọng vào vật chất mà không bảo tồn văn hoá, đến khi quay lại tìm kiếm liệu có quá muộn?

Nhật Huy

08/06/2016

Leave a comment

Information

This entry was posted on June 20, 2016 by in huy's eyes, lifeitself, Uncategorized.

Enter your email address to subscribe to this blog and receive notifications of new posts by email.

Join 538 other subscribers
Follow ArchAbroad on WordPress.com
June 2016
M T W T F S S
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
27282930  

Archives

Categories

Blog Stats

  • 21,127 hits