ArchAbroad

huy learns to write | huy tập viết

Những Lá Thư Gửi Tổng Thống

barack_obama_reading_a_letter_in_the_treaty_room
Vậy là Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã chính thức có mặt tại Việt Nam khi chiếc Không Lực 1 hạ cánh xuống sân bay Nội Bài đêm ngày Chủ Nhật, 22/05/2016 giờ địa phương. Truyền thông Việt Nam và các mạng xã hội cập nhật từng diễn biến nhỏ của ông Tổng Thống với một vẻ hồ hởi hiếm có khi một nhà lãnh đạo nước ngoài tới thăm Việt Nam.
Mặc dù đã biết về chuyến đi từ lâu, cũng không có mặt ở Việt Nam để chứng kiến sự kiện, tôi không khỏi cảm thấy hào hứng, phấn khích thậm chí là xúc động khi thấy ông Obama bước xuống từ thang máy bay, bắt tay những người chào mừng, vẫy tay chào báo chí và lên xe về khách sạn. Từ nhiều ngày trước khi Tổng thống Mỹ tới Việt Nam, bạn bè tôi đã tỏ ra vô cùng hào hứng khi thi nhau chia sẻ giấy mời từ Đại Sứ Quán Mỹ tới dự những buổi nói chuyện của ông. Còn tôi thì không khỏi ghen tị vì đã bỏ lỡ cơ hội đặc biệt này. Người dân Việt Nam nói chung cũng không kém phần hồ hởi và bày tỏ quan tâm tới sự kiện. Ngay đến cô sinh viên được cử đi tặng hoa cũng hãnh diện khoe bắt tay Tổng thống Mỹ cũng có cảm giác khác. Bản thân cô thì trở nên nổi tiếng chỉ sau vài giây.
Tuy nhiên nếu suy nghĩ một cách thực tế thì chuyến đi tới Việt Nam không mang quá nhiều ý nghĩa đặc biệt tới những mục tiêu của chính quyền Obama. Chuyến thăm của ông Obama diễn ra khi nhiệm kì của ông chỉ còn lại 7 tháng. Ông đã đến thăm hơn 50 quốc gia trước khi tới Việt Nam trong đó có Myanamar tới 2 lần. Người dân Việt Nam mong muốn Hoa Kỳ sẽ bênh vực hoặc ít nhất làm gì đó giúp Việt Nam trong tranh chấp biển đảo với Trung Quốc nhưng có lẽ ông Obama cũng không muốn làm gì khiến Trung Quốc mất lòng trong những ngày tháng cuối làm Tổng thống. Tuy chính quyền Obama liên tục cổ vũ cho sự xoay trục của Mỹ từ Châu Âu và Trung Đông sang Châu Á – Thái Bình Dương nhưng sự trỗi dậy của ISIS, làn sóng tị nạn từ Trung Đông sang Châu Âu, khủng hoảng ở Syria và những vấn đề nội tại của nước Mỹ vẫn chiếm rất nhiều thời gian và Việt Nam chưa bao giờ là ưu tiên hàng đầu. Chính sách của Mỹ với Việt Nam trong tương lai sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào người kế nhiệm ông Obama.
Vậy thì tại sao người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ lại hào hứng chào đón ông Tổng thống như vậy? Tất nhiên các Tổng thống Mỹ luôn là một trong những người nổi tiếng nhất thế giới. Nhiều khi họ được biết đến ở nước ngoài nhiều hơn ở trong nước. Barack Obama là người có uy tín và nhìn chung được người dân trên thế giới dành nhiều thiện cảm. Ông là người nổi tiếng có tài diễn thuyết và có sức hấp dẫn lớn. Ông cũng được biết đến như một người thân thiện với dân chúng và rất biết lắng nghe. Sự gần gũi với dân chúng của Obama thể hiện rất nhiều qua những lá thư khắp nơi trên nước Mỹ gửi tới cho ông.
Bên trong Nhà Trắng có một bộ phận chuyên trách về việc nhận và xử lý thư từ, bưu thiệp, quà và thư điện tử do người dân Mỹ gửi đến Tổng thống hay gia đình Tổng thống. Bộ phận này được thiết lập đầu tiên từ thời Tổng thống William McKiney năm 1897 với chỉ một nhân viên cho đến cuối nhiệm kì Tổng thống Hoover năm 1933. Khi Franklin D. Roosevelt nhậm chức giữa cuộc Đại Khủng Hoảng kinh tế, để đảm bảo mình có thể hiểu hết được đời sống, tâm tư của người dân, ông đã tăng số lượng nhân viên xử lý thư lên 70 người. Roosevelt và phu nhân nhận tới 8000 lá thư mỗi ngày. Hiện nay Tổng thống Obama và gia đình nhận hàng chục ngàn lá thư, bưu phẩm, thư điện tử mỗi ngày. Cũng như Roosevelt, ông đã giao cho nhân viên đọc và chọn ra 10 lá thư tiêu biểu đại diện cho những vấn đề của nước Mỹ để đọc hàng đêm trước khi đi ngủ.
Năm 2009, Natoma Canfield, 50 tuổi, đã viết thư cho TT Obama kể về việc bà vật lộn với căn bệnh ung thư như thế nào khi không có bảo hiểm y tế vì các công ty bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm cho bà. Năm 2010, bức thư trở nên nổi tiếng và là một trong những động lực để chính quyền Obama nỗ lực thông qua đạo luật nhằm cung cấp bảo hiểm với giá phải chăng cho người dân (Patient Protection and Affordable Care Act hay còn gọi là Obamacare). Sau khi đạo luật được thông qua, bức thư được lồng khung kính và treo trong văn phòng riêng của Tổng thống. Năm 2014, một cuộc khủng hoảng về nước uống đã xảy ra ở thành phố Flint bang Michigan khi nước uống có nồng độ chì quá cao so với quy định. Cuộc khủng hoảng kéo dài hai năm trời tới tận hôm nay. Năm 2016, một cô bé 8 tuổi ở Flint đã viết thư cho Tổng thống và bày tỏ suy nghĩ của mình với mong muốn được gặp ông, trong đó có đoạn:
“Cháu biết có thể đây là một đề nghị kì quặc nhưng cháu rất muốn có cơ hội được gặp ngài và phu nhân. Mẹ cháu nói ngài sẽ rất bận với những việc quan trọng hơn nhưng sẽ có rất nhiều người đi với cháu và thậm chí chỉ một cuộc gặp với ngài hoặc phu nhân thôi cũng sẽ làm mọi người cảm thấy khá hơn rất nhiều.”
Tổng thống Obama đã viết thư trả lời:
“Mari thân mến,
Cảm ơn cháu vì đã viết thư cho tôi. Cháu nói đúng rằng Tổng thống thì thường rất bận, nhưng có một sự thật là, ở Mỹ, không có gì quan trọng hơn những công dân bé nhỏ. Và tôi vô cùng tự hào về cháu vì đã dùng tiếng nói của mình lên tiếng cho trẻ em ở Flint. Đó là tại sao tôi muốn cháu là người đầu tiên được biết rằng tôi sẽ đến thăm Flint vào ngày 4 tháng 5. Tôi muốn biết chắc chắn những người như cháu và gia đình cháu đang nhận được sự giúp đỡ cần thiết và xứng đáng. Giống như cháu, tôi cũng sẽ kêu gọi thay đổi và nâng cao đời sống của cộng đồng. Những lá thư từ các bạn nhỏ như cháu khiến tôi vô cùng lạc quan về tương lai. Tôi hy vọng sẽ được gặp cháu tuần sau, “Hoa Hậu Nhí Flint.”
Thân ái, Barack Obama
Quay trở lại giải nghĩa sự phấn khích của người dân đặc biết là giới trẻ Việt Nam khi chào đón Tổng thống Obama mặc dù có thể ông chưa thể làm gì nhiều cho Việt Nam, mỗi người có thể sẽ có những lý do khác nhau, nhưng tôi nghĩ đó là vì Tổng thống Obama mang đến Việt Nam hình ảnh một người lãnh đạo mà chúng ta không có và khao khát có được.
Một người xuất thân không giàu có và địa vị nhưng vươn lên trở thành một trong những người quyền lực nhất thế giới.
Một người đứng giữa nhân dân thay vì đứng trên nhân dân.
Một người mà khi đất nước có biến động gì, bật truyền hình lên đã thấy người đó đang trấn an đất nước.
Một người biết mỉm cười.
Một người biết nói chuyện.
Một người mà mỗi người dân có thể trông cậy vào để tạo nên sự thay đổi.
Một người mà người dân có thể tâm sự về những khó khăn trong cuộc sống của mình.
Một người đọc thư của người dân hằng đêm.
Một người lãnh đạo đến từ một thế giới khác.
Một người lãnh đạo của thế giới tự do.
Nhật Huy
 22/05/2016

Leave a comment

Information

This entry was posted on May 31, 2016 by in huy's eyes, POLITICS.

Enter your email address to subscribe to this blog and receive notifications of new posts by email.

Join 538 other subscribers
Follow ArchAbroad on WordPress.com
May 2016
M T W T F S S
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031  

Archives

Categories

Blog Stats

  • 21,127 hits